Quản lý chuyên ngành hàng hóa XNK tại Hải Phòng: Nhiều bộ cùng “ôm” một mặt hàng

Chồng chéo, vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK là câu chuyện không mới, nhưng điều đáng nói ở đây là dường như tiếng kêu từ cộng đồng DN, từ công luận bấy lâu chưa “chạm” được các bộ, ngành liên quan, hay đã đến nhưng chưa có sự nhúc nhích, chuyển biến đáng kể.

Quản lý chuyên ngành hàng hóa XNK tại Hải Phòng: Nhiều bộ cùng “ôm” một mặt hàng
Gần 2 năm qua, địa điểm kiểm tra chuyên ngành ở khu vực cảng Hải Phòng chủ yếu làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, việc kiểm tra phần lớn thực hiện tại Hà Nội.

Nông nghiệp kiểm tra, Công Thương cũng quản

Lượng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành lên đến hàng trăm nghìn lô hàng mỗi năm, tuy nhiên, tỉ lệ hàng hóa vi phạm do cơ quan quản lý chuyên ngành phát hiện chưa đến 1%.

Hải Phòng là đầu mối giao thương lớn nhất miền Bắc và cũng là nơi gánh trọn những vướng mắc, bất cập do công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành gây ra.Từ nhiều năm trở lại đây, trong mỗi cuộc họp của ngành Hải quan hay Bộ Tài chính, câu chuyện này luôn là một trong những vấn đề mấu chốt được lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ. Nhưng thực tế đến nay, tình trạng không mấy chuyển biến. Những câu chuyện như một mặt hàng chịu sự quản lý chuyên ngành của nhiều bộ, ngành, hay nhiều hình thức quản lý vẫn diễn ra phổ biến tại khu vực cảng Hải Phòng.

Điển hình cho tình trạng một mặt hàng hai bộ cùng “ôm” có thể kể đến như: Sữa chua, pho mát – vừa phải kiểm dịch động vật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Công Thương; hay hàng hóa vừa phải kiểm tra chất lượng vừa phải được cấp Giấy chứng nhận hợp quy như cây giống, sản phẩm xây dựng (gạch, đá, kính…)…, thậm chí có những mặt hàng phải chịu 3 hình thức quản lý/kiểm tra như mặt hàng phân bón (giấy phép nhập khẩu tự động, kiểm tra chất lượng, chứng nhận hợp quy).

Chưa dừng lại ở đó, ngay trong một bộ cũng đưa ra nhiều hình thức quản lý đối với hàng hóa XNK. Có thể kể đến như mặt hàng kén tằm vừa phải kiểm dịch động vật, vừa phải kiểm dịch thực vật của cùng các đơn vị quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong khi đó, Bộ Y tế vừa quy định về xin giấy phép nhập khẩu vừa kiểm tra chất lượng đối với mặt hàng thuốc, nguyên liệu sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế…

Đáng lo ngại hơn khi có cả tình trạng một mặt hàng chịu một hình thức quản lý/kiểm tra nhưng do từ hai đến ba bộ, ngành thực hiện. Điển hình như mặt hàng nồi hơi phải kiểm tra chất lượng nhưng đồng thời phải chịu sự quản lý, kiểm tra của cả Bộ Công Thương và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…

Không chỉ rối rắm trong công tác quản lý, kiểm tra, hệ thống văn bản bản liên quan đến danh mục hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ, ngành còn nhiều, phạm vi rộng, một số danh mục chưa chuẩn hóa mã số HS khiến cộng đồng DN và cả cơ quan Hải quan gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.

Kiểm tra nhiều, phát hiện ít

Thực tế tại Hải Phòng cho thấy, lượng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành lên đến hàng trăm nghìn lô hàng mỗi năm, tuy nhiên, tỉ lệ hàng hóa vi phạm do cơ quan quản lý chuyên ngành phát hiện chưa đến 1%. Đáng chú ý, nhiều vi phạm được phát hiện chủ yếu liên quan đến vi phạm hành chính như chậm, muộn trong nộp hồ sơ, kết quả kiểm tra. Trường hợp hàng hóa thực sự vi phạm liên quan đến chất lượng do cơ quan chức năng phát hiện còn ít hơn rất nhiều.

Để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK, từ cuối năm 2015, ngành Hải quan đã phối hợp với Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng I triển khai địa điểm kiểm tra tập trung tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III. Nhưng thực tế hiệu quả mang lại vẫn rất thấp. Nhiều DN phản ánh, địa điểm tại Hải Phòng chỉ chủ yếu tiếp nhận hồ sơ, việc kiểm tra, cấp chứng nhận kết quả vẫn thực hiện ở trụ sở chính tại Hà Nội, vì vậy, DN không mặn mà đăng ký vì mất thêm thời gian khi phải giải quyết thủ tục ở 2 địa điểm (Hải Phòng và Hà Nội).

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, việc kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành chủ yếu bằng phương thức thủ công trên từng lô hàng, chưa áp dụng rộng rãi phương thức quản lý rủi ro, công nhận kết quả kiểm tra của cùng một mặt hàng, cùng một nhà sản xuất, nhà nhập khẩu dẫn đến việc kiểm tra nhiều, trùng lắp trong khi tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp.

Thời gian qua, một số bộ, ngành đã quy định việc miễn, giảm tỉ lệ kiểm tra hồ sơ, nhưng điều kiện để DN được chấp nhận miễn, giảm rất thấp, nên đa số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành ở Hải Phòng vẫn phải chờ kết quả kiểm tra hoặc thông báo đạt kết quả của cơ quan quản lý chuyên ngành mới được thông quan.

Thái Bình | BHQ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *