Kiểm định Hải quan hỗ trợ tích cực về kiểm tra chuyên ngành

Hai năm sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 65/2015/QĐ-TTg nâng cấp Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa XNK thành Cục Kiểm định Hải quan (ngày 5/2/2016), đến nay Cục Kiểm định Hải quan không chỉ cụ thể hóa sự hỗ trợ cho hoạt động XNK của DN mà còn giúp Tổng cục Hải quan nâng tầm công tác kiểm định, tham gia kiểm tra chuyên ngành (KTCN) để từng bước thay đổi và nâng cao công tác quản lý của cơ quan Hải quan.

Kiểm định Hải quan hỗ trợ tích cực về kiểm tra chuyên ngành
Ra mắt Chi cục Kiểm định hải quan 5 tại Quảng Ninh

Bắt nhịp yêu cầu của ngành

Theo dự thảo Đề án, Tổng cục Hải quan đề xuất 2 nhóm mặt hàng thí điểm: Thứ nhất, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (độc tố trong nông sản NK bao gồm kiểm tra hàm lượng kim loại nặng, một số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chỉ tiêu vi sinh trong hành tây, cà rốt, nho tươi, quả táo tươi, quả lê tươi, khoai tây, tỏi…). Thứ hai, kiểm tra chất lượng nhóm mặt hàng phân bón khoáng (phân bón khoáng và phân hóa học có chứa nitơ, phosphate, kali; phân bón khoáng hữu cơ và phân bón hữu cơ khoáng). Thời gian thực hiện thí điểm là 1 năm. Thời gian trả kết quả giảm 50% so với quy định hiện hành kể từ ngày lấy mẫu; hình thức trả kết quả thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và kết quả sẽ là căn cứ để thông quan hàng hoá.

Là phóng viên theo dõi hoạt động của đơn vị chuyên trách triển khai công tác kiểm định, tôi đã được chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của Cục Kiểm định trong thời gian qua. Trong đó, đặc biệt là sự ra đời của  chi cục kiểm định hải quan, cho thấy việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm định Hải quan theo Quyết định số 1388/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính và quyết tâm đưa công tác kiểm định bắt nhịp nhanh vào quá trình phát triển của ngành Hải quan đã cơ bản hoàn thành.Còn nhớ hơn 1 năm trước đây, nhiều đơn vị địa phương khó khăn trong việc gửi mẫu phân tích, còn DN phải chạy “ngược xuôi” để mong được tháo gỡ nút thắt trong công tác kiểm định, KTCN. Nhưng nay, với việc triển khai thêm 3 đơn vị trực thuộc, Cục Kiểm định Hải quan đã và đang khẳng định các bước đi theo định hướng để thực hiện và chuyên môn hóa công tác này trong tình hình mới, tạo điều kiện, giảm chi phí cho DN.

Và như quyết tâm đưa công tác KTCN đi vào thực chất, ngoài việc triển khai thêm 3 chi cục kiểm định mới: Chi cục Kiểm định Hải quan 1 (tại Hà Nội); Chi cục Kiểm định Hải quan 5 (tại Quảng Ninh); Chi cục Kiểm định Hải quan 6 (tại Lạng Sơn), Tổng cục Hải quan đã phê duyệt “Đề án phát triển Cục Kiểm định Hải quan giai đoạn 2017-2020”; Ban hành Quy chế Kiểm định, phân tích hàng hóa XNK; Cục Kiểm định Hải quan cũng đã hoàn thành việc xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn Vilas cho Chi cục Kiểm định Hải quan 2 tại Hải Phòng.

Hiện đã có 4/6 phòng thí nghiệm của Cục Kiểm định Hải quan được Văn phòng Công nhận chất lượng (BoA) của Bộ KH&CN cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2005 (VILAS). Riêng Chi cục Kiểm định Hải quan 4 còn được công nhận là tổ chức giám định theo tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17020:2012 (VIAS). Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã chỉ định Chi cục Kiểm định Hải quan 4 là tổ chức thử nghiệm phân bón hữu cơ, phân bón vô cơ góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa. Cục trưởng Cục Kiểm định Hải quan Đỗ Văn Quang khẳng định, Cục Kiểm định Hải quan đã được trang bị cơ bản về nhân lực và thiết bị để phục vụ tốt công tác nội ngành nói chung đủ năng lực để trực tiếp tham gia công tác KTCN đối với hàng hóa XNK.

“Đơn vị vừa được đầu tư 4 trạm kiểm định di động với trang thiết bị khá hiện đại có thể linh hoạt di chuyển và áp sát đến các khu vực cửa khẩu vùng biên giới để thực hiện kiểm tra chất lượng; lấy mẫu và tổ chức kiểm tra ngay tại hiện trường. Việc thành lập và đưa vào hoạt động thêm 3 Chi cục Kiểm định Hải quan mới; xây dựng và mở rộng các phép thử cho các phòng thí nghiệm đạt chuẩn VILAS tại cục và các chi cục; việc đầu tư trang thiết bị phân tích hóa lý, các phòng thí nghiệm vi sinh vật và 4 trạm kiểm định di động tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện công tác kiểm định, phân tích và công tác KTCN. Việc tiếp nhận, phân tích, đề xuất ban hành thông báo xác định trước mã số đã cơ bản đáp ứng quy định, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK”, ông Đỗ Văn Quang chia sẻ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017-2020, để có cơ sở pháp lý thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ trong công tác KTCN, cơ quan Hải quan phải được bộ quản lý chuyên ngành công nhận chỉ định hoặc ủy quyền để tham gia KTCN. Ông Đỗ Văn Quang cũng cho biết, đơn vị đang tham mưu trình Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính  hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thí điểm KTCN đối với hàng hóa XNK tại cơ quan Hải quan. Đồng thời, các bộ, ngành phối hợp với Tổng cục Hải quan trong việc giao Cục Kiểm định Hải quan thực hiện xử lý các lô hàng XNK có kết quả kiểm tra không đạt các tiêu chí về tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm dịch, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Có cơ chế thẩm định công nhận phòng thí nghiệm đạt năng lực tổ chức giám định theo chuyên ngành.

Mục tiêu phấn đấu

Có được những tín hiệu vui bước đầu về tiến độ trong việc hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thí điểm KTCN đối với hàng hóa XNK tại cơ quan Hải quan, Cục trưởng Đỗ Văn Quang chia sẻ, Đề án “Thí điểm KTCN hàng hóa XNK tại cơ quan Hải quan” đưa ra giải pháp nhằm tạo thuận lợi trong thương mại hiện nay, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để cơ quan Hải quan tham gia vào công tác KTCN, theo kịp với xu thế của hải quan các nước tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, Đề án góp phần tạo thuận lợi hơn nữa cho DN, có thể rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa ngay tại cửa khẩu trên cơ sở có chọn lọc đối với một số mặt hàng đang là điểm “nóng” mà cộng đồng DN quan tâm, nhất là những mặt hàng có liên quan đến việc bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Theo định hướng đó, trước mắt Cục Kiểm định Hải quan sẽ tham gia kiểm tra chất lượng đối với mặt hàng phân bón và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (xác định độc tố kim loại nặng, các chỉ tiêu vi sinh…) đối với một số nhóm mặt hàng nông sản tại các cửa khẩu trọng điểm. Cụ thể ở khu vực biên giới phía Bắc dự kiến tham gia kiểm tra tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, cửa khẩu Lào Cai; khu vực miền Nam triển khai tại cửa khẩu cảng ở TP. Hồ Chí Minh.

Ông Đỗ Văn Quang nhấn mạnh, khi được giao thí điểm thực hiện KTCN tại cơ quan Hải quan ngoài việc khẳng định vai trò của phòng thí nghiệm hải quan hiện đại còn thúc đẩy các tổ chức kiểm nghiệm, thực hiện công khai, minh bạch trong công tác KTCN, góp phần tích cực, đẩy mạnh việc cải cách công tác  KTCN. Bên cạnh đó, Đề án sẽ là tiền đề tạo cơ chế phối hợp trong công tác KTCN của cơ quan Hải quan và các cơ quan của các bộ quản lý chuyên ngành, tạo thuận lợi trong việc hiện đại hóa thủ tục hành chính.

Việc thí điểm KTCN tại cơ quan Hải quan trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro về KTCN đối với hàng hoá XNK, tương lai công tác này sẽ được xã hội hóa và cơ quan Hải quan chỉ thực hiện việc kiểm tra lại kết quả KTCN theo rủi ro nhằm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan trong thông quan hàng hóa. Với những lợi thế nêu trên, nếu được giao lực lượng kiểm định hải quan cùng tham gia công tác KTCN hàng hóa XNK sẽ đảm bảo mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, tập trung kiểm tra tại chỗ, rút ngắn được thời gian thông quan, giảm thiểu chi phí và tạo thuận lợi thương mại, ông Đỗ Văn Quang quả quyết.

Đảo Lê | BHQ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *