Cách viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp sửa đổi, bổ sung

Trước vướng mắc của một số đơn vị hải quan địa phương trong việc sử dụng các biểu mẫu ban hành kèm theo các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị thực hiện thống nhất trong quá trình viện dẫn các văn bản này.
Cách viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp sửa đổi, bổ sung
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi Hải quan Ninh Bình (Cục Hải quan Hà Nam Ninh).

Thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan nhận được văn bản của một số cục hải quan tỉnh, thành phố phản ánh vướng mắc trong việc sử dụng các biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và cách thức viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp văn bản được sửa đổi, bổ sung.

Trên cơ sở ý kiến trao đổi với Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), Tổng cục Hải quan hướng dẫn như sau:

Việc ghi người đại diện tại biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt vi phạm hành chính: “Căn cứ mẫu biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính ban hành kèm theo Nghị định 97/2017/NĐ-PC ngày 18/8/2017 thì phải ghi cụ thể thông tin về người đại diện theo pháp luật của tổ chức vi phạm.

Thông tin về người đại diện hoặc người nhân danh tổ chức thực hiện hành vi vi phạm (họ tên, chức vụ, số CMND…) được ghi nhận tại biên bản làm việc, biên bản chứng nhận sự việc, biên bản ghi nhận lời khai hoặc phiếu ghi kết quả kiểm tra… thể hiện tại mục chú thích thứ 4 của mẫu biên bản vi phạm hành chính. Các tài liệu này cùng với văn bản giao đại diện hoặc giao nhiệm vụ… được lưu kèm hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có thể ghi nhận thông tin của đại diện tổ chức vi phạm tại mục số 10 “Đã có hành vi vi phạm hành chính” và mục số 15 (phần thể hiện người nhận biên bản vi phạm hành chính) của mẫu biên bản vi phạm hành chính.

Việc trình bày tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản tại biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải thực hiện theo đúng biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định 81/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 97/2017/NĐ-CP. Theo đó, không ghi tên cơ quan chủ quản của cơ quan ban hành văn bản.

Về việc viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp văn bản đã được sửa đổi, bổ sung, theo Tổng cục Hải quan, hiện nay, chưa có quy định cụ thể về cách thức viện dẫn văn bản được sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung trong áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc tra cứu và áp dụng pháp luật trong thực tiễn, đề nghị các đơn vị viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp văn bản đã được sửa đổi, bổ sung.

Ví dụ, đối với hành vi “sử dụng hàng hóa trong hạn ngạch thuế quan không đúng quy định” trước đây được quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 8 Nghị định 127/2013/NĐ-CP; tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP thì hành vi nêu trên được quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 8 được sửa đổi tại Khoản 5, Điều 1 Nghị định 45/2016/NĐ-CP. Theo đó, khi viện dẫn văn bản sẽ ghi: “Hành vi: “Sử dụng hàng hóa trong hạn ngạch thuế quan không đúng quy định” được quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 8 Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013, đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5, Điều 1 Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016”

Đảo Lê | BHQ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *